Khác với cân bằng âm lượng tổng bằng thanh fader, EQ là công cụ cho phép chúng ta thay đổi âm lượng của từng dải tần số riêng biệt bên trong 1 tín hiệu, từ đó dẫn đến thay đổi âm sắc của chúng.
EQ có thể khiến cho vocal trở nên sáng hơn hoặc tối hơn, mềm mại hơn hoặc gắt hơn, nhẹ hơn hoặc có chiều sâu hơn, ...
1. Xử lý khu vực low-end (< 100Hz)
Những tần số dưới 80Hz trong thu âm vocal thường là những tần số cộng hưởng của phòng, microphone noise,
Đôi khi những âm thanh này sẽ không thể nghe thấy, nhưng nếu chúng ta không kiểm tra kĩ, chúng sẽ bị khuếch đại dần trong quá trình xử lý, đồng thời là cộng dồn với các nguồn tín hiệu khác như các nhạc cụ, dẫn đến khu vực low-end sẽ nghe rất ồn và mờ.
Vì vậy, việc đầu tiên khi EQ vocals, chúng ta có thể dùng HPF (high pass filter) để loại bỏ bớt các tần số khoảng từ 50 – 100 Hz hoặc thấp hơn (Tùy thuộc vào vocals, các giọng nam trung trầm thường sẽ được HPF thấp hơn 1 chút so với nam cao hoặc giọng nữ).
Để tìm được tần số chính xác, chúng ta có thể quét HPF từ thấp lên cao, cho đến khi chúng ta cảm thấy vocal có dấu hiệu bị mỏng đi dần thì có thể dừng lại, trả ngược về một chút rồi bắt đầu điều chỉnh cho phù hợp.
Từ đó, chúng ta có thể chừa không gian cho các nhạc cụ âm trầm như Kick Drum, Bass, …
2. Cân bằng độ dày và độ ấm của vocal (100 – 400 Hz)
Từ 100 – 400 Hz là khu vực quan trọng, quyết định độ dày và ấm áp của vocal. Có thể gọi nôm na đây là phần “thịt” của vocal.
Khu vực này nếu quá nhiều sẽ làm vocal nghe ồn, mờ, thiếu đi sự chi tiết. Ngược lại, quá ít sẽ làm vocal nghe mỏng và yếu.
Đối với trường hợp này, chúng ta có thể dùng bell filter để dò tìm tần số chúng ta mong muốn, tăng lên nếu thấy vocal còn mỏng và giảm đi nếu thấy vocal đang bị ồn
3. Loại bỏ cảm giác đóng hộp (400 – 800 Hz)
Cảm giác đóng hộp có thuật ngữ là “boxy” – cảm giác âm thanh bị tù túng, giống như trong 1 cái hộp.
Nếu vocal có quá nhiều tần số xấu ở khu vực này, rất dễ khả năng nghe rất bí, tù túng, không có sự bay bổng. Ngược lại, thiếu tần số ở đây sẽ có khả năng làm vocal nghe mất tự nhiên.
4. Loại bỏ cảm giác nghẹt mũi (800 – 1.5kHz)
Tùy vào vocal mà khu vực này có thể thay đổi 1 chút, tuy nhiên đa số trường hợp những ca sĩ bị giọng mũi, nghe cảm giác nghẹt mũi sẽ rơi vào khu vực này.
Dùng bell filter để dò tìm khu vực tạo cảm giác nghẹt mũi, sau đó cut một lượng phù hợp, đảm bảo vocal vẫn giữ được sự tự nhiên nhất có thể. Tất nhiên, nếu ca sĩ hát nghẹt mũi quá nặng thì giải pháp này sẽ chỉ giúp cải thiện một phần nào đó, tránh EQ quá tay dẫn đến làm vocal mất tự nhiên.
5. Cải thiện sự hiện diện và độ chi tiết (1.5 kHz – 5 kHz)
Đây là khu vực mà tai chúng ta “nhạy” nhất, vì vậy EQ khu vực này cần được làm hết sức cẩn thận. Đừng tăng hoặc giảm quá nhiều ở khu vực này.
Tần số này nếu dư sẽ khiến vocal trở nên gắt và chói, ngược lại sẽ làm vocal nghe “phẳng” và mất chi tiết.
6. Xử lý sibilance (5 – 8 kHz)
Những âm như S, T, Ts, Ch, Sh, … được gọi chung là sibilance, nằm ở hầu hết khu vực từ 5 – 8 kHz. Tăng EQ ở khu vực này có thể kéo theo làm tăng các âm sibilance. Tuy nhiên nếu vocal quá tối và cần được tăng phần high, các âm sibilance có thể được xử lý sau bằng EQ hoặc các plugin de-esser chuyên dụng.
Hãy cẩn thận vì nếu xử lý sibilance không đúng cách cũng có thể làm vocal trở nên thiếu sức sống và mất đi sự sắc nét
7. Giúp vocal trở nên “lung linh” hơn (8 – 12 kHz)
Nếu như chúng ta đã xử lý sự gắt của vocal ở khoảng 2 – 5 kHz, việc tăng ở khu vực 8 – 12 kHz sẽ giúp lấy lại độ sáng cho vocal, đồng thời làm cải thiện phần “air” – một yếu tố rất quan trọng trong mixing nhạc pop hiện tại. Tuy nhiên cũng phải cẩn thận vì khu vực này vẫn còn chứa các âm sibilance.
8. Vocal thoát và bay bổng (12 kHz – 20 kHz)
Từ 12 kHz trở lên sẽ không can thiệp nhiều vào âm sắc chính của vocal. Tuy vậy, việc nâng khu vực này sẽ giúp vocal nghe “mở” và “thoáng” hơn.
Đối với high-end, chúng ta có thể sử dụng high-shelf để tăng tất cả tần số có trong khu vực này. Hiệu ứng nghe có thể không quá rõ ràng, nhưng chúng ta sẽ cảm nhận được sự khác biệt.
Commentaires